Trà bản Do (Phù Yên, Sơn La – 900m). Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mường. Để hái được những búp chè non nhiều khi phải trèo lên cành cao của cây chè cổ thụ. Buổi sáng mùa hè, búp chè ngậm sương, hái vẫn lạnh buốt tay. Chè hái về rồi vẫn phải chọn kỹ lại những búp chè không bị sâu, không quá già, sau đó mới sao trong chảo gang. Củi dùng sao chè phải thật khô, cháy đượm. Lúc sao chè phải giữ liu riu thật đều nhưng vẫn phải luôn hơ tay trần trên chảo để biết “cữ” nóng của chè. Sao rồi phải vò chè bằng tay thật khéo sao cho những búp chè săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng, cuộn hương tinh khiết thanh cao của mây gió núi ngàn vào trong. Khi chè sao xong được đưa ra vò bằng tay, trong quá trình vò người làm phải thật khéo léo để trà không bị nát, không làm mất hương và làm rơi hết những tuyết trắng còn bám trên búp trà. Thành phẩm cuối cùng là những búp trà săn lại bằng hạt đỗ xanh mang trong mình sự tinh túy của núi ngàn Tây Bắc.
Để pha trà, phải dùng nước nguồn trên núi hoặc nước giếng trong thì trà mới có hương vị đậm đà và màu sắc tươi hơn. Nước đã sôi già, tráng qua một lượt để cánh chè giãn ra, loại bỏ chút bụi còn vương lại. Chế nước sôi đầy ấm đến mức bọt trào ra ngoài rồi mới đậy nắp chờ vài phút. Ấm pha trà chọn loại sứ nung già lửa sẽ có hương thơm đúng vị. Nhấp chén trà sóng sánh như mật ong, dư vụ ngọt đượm tan lâu, cảm giác lâng lâng khó tả hòa quyện hương của núi rừng.